Tin tức Tin tức

Nhiều quy định mới “cởi trói” kinh doanh vận tải

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với nhiều điểm cải cách, "cởi trói" điều kiện bất hợp lý, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

 
1

Bộ GTVT đề xuất thống nhất niên hạn của xe taxi không quá 12 năm trên toàn quốc (Taxi đón khách tại sân bay Đà Nẵng) - Ảnh: Khánh Linh

Bỏ "hạn ngạch" phương tiện vận tải

Kể từ khi Luật GTĐB năm 2008 có hiệu lực, đây là lần thứ 3 nghị định về lĩnh vực này được chỉnh sửa. Trong số 6 thay đổi lớn tại dự thảo nghị định so với Nghị định số 86, điểm đáng chú ý là quy định liên quan đến số lượng xe tối thiểu của đơn vị kinh doanh vận tải. Theo đó, dự thảo nghị định đã bãi bỏ quy định này.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất bỏ Khoản 4, Điều 15, Điều 16, Điều 18; Khoản 7, Điều 17 và Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 86 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi; xe hợp đồng, vận tải khách du lịch và vận tải hàng hóa. Theo các điều khoản này, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải theo từng loại hình phải có số lượng xe tối thiểu đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc T.Ư, tại các địa phương và tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.

Tại dự thảo mới này, Bộ GTVT dành riêng một chương quy định rõ về hợp đồng vận tải. Theo đó, loại hình xe hợp đồng vận tải ứng dụng công nghệ như Uber, Grab để thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu về điều kiện kinh doanh gần hơn với taxi truyền thống. Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng cho biết, Bộ GTVT đang đề xuất Thủ tướng cho tiếp tục triển khai thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử sử dụng các phần mềm như Uber, Grab và tương tự cho đến khi nghị định mới thay thế Nghị định 86 được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Lý giải về việc bỏ điều kiện về quy mô xe tối thiểu, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng các điều khoản này tại Nghị định số 86 nhằm đảm bảo có đủ điều kiện để đơn vị kinh doanh vận tải duy trì bộ máy quản lý, điều hành và bộ phận ATGT, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN, hiện số lượng các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ hơn 5 xe là gần 17.800/24.580 đơn vị, chiếm trên 72%. Trong đó, tuyến cố định chiếm trên 34%, xe buýt chiếm 10%, xe hợp đồng chiếm trên 86%, xe container chiếm trên 53%, xe du lịch chiếm trên 76%, xe tải trên 78%.

"Nếu tiếp tục quy định số lượng xe tối thiểu, đương nhiên các doanh nghiệp nhỏ không thể thực hiện được, không được gia nhập sân chơi vận tải. Chỉ có những doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng đáp ứng quy định này. Thậm chí, ngay cả các doanh nghiệp lớn nếu chỉ có 49 xe chất lượng cao cũng không được phép kinh doanh taxi ở Hà Nội, TP.HCM. Điều này là chưa hợp lý, gây khó khăn trong kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân", ông Ngọc lý giải và khẳng định: "Việc bỏ quy định nhằm khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển phù hợp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ".
 

2

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 đã bỏ quy định liên quan đến số lượng xe tối thiểu của đơn vị kinh doanh vận tải, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp (Trong ảnh: Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Thêm quy định chặn xe hợp đồng trá hình

Một điểm mới đáng chú ý khác là dự thảo Nghị định bổ sung nhiều điều kiện mới để siết điều kiện kinh doanh xe hợp đồng, xe du lịch. Theo ông Ngọc, xe hợp đồng là xe chạy không theo tuyến cố định. Còn xe tuyến cố định chạy từ bến đến bến, có quy hoạch từ trước. Song hiện nay, xe hợp đồng có hiện tượng lách quy định để chở khách tuyến cố định bằng cách trên xe in sẵn hợp đồng, khi hành khách lên xe sẽ ghi tên bổ sung.

Vì vậy, dự thảo nghị định bổ sung quy định hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Một chuyến xe, chỉ được ký kết một hợp đồng.

"Nếu như trên một xe 50 chỗ có 50 hợp đồng, xe ấy khác gì xe tuyến cố định bán vé. Điều này không phù hợp", ông Ngọc phân tích.

Đặc biệt, theo ông Trần Bảo Ngọc, dự thảo nghị định lần này cũng bổ sung quy định khá chặt chẽ là đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh và quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau (trừ những vị trí do UBND cấp tỉnh công bố).

Đối với loại hình này, Điều 7, Điều 8 cũng xây dựng các quy định để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và xe du lịch nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế tình trạng "xe dù, bến cóc" đang diễn biến phức tạp như: Sửa đổi quy định đối với xe từ 8 chỗ trở lên thay vì 10 chỗ trở lên như Nghị định 86 trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua email hoặc phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi; bổ sung quy định không được tổ chức gom khách lẻ.

Lý giải về bổ sung các quy định này, ông Ngọc cho biết, loại hình vận tải khách theo hợp đồng thời gian qua phát triển mạnh do các điều kiện kinh doanh quy định ở Nghị định 86 còn đơn giản. Điều này dẫn đến trình trạng nhiều đơn vị vận tải chỉ hợp thức hóa các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh, lợi dụng vận tải để đặt chỗ cho hành khách rồi đón, trả khách tại các điểm cố định, gây ra tình trạng tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định, hiện tượng xe dù, bến cóc, đặc biệt tại các thành phố lớn như: Hà Nội và TP.HCM, làm mất trật tự thị trường kinh doanh vận tải.

"Việc quy định như trên vẫn phù hợp với quy định điều kiện kinh doanh cho mỗi loại đã được quy định trong Luật GTĐB, bảo đảm sự minh bạch, công bằng giữa các hình thức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, là một trong các giải pháp hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc đang diễn ra phức tạp hiện nay. Đồng thời, quy định này nhằm mục tiêu giao thẩm quyền quản lý cho các địa phương trong việc xác định các vị trí dừng, đỗ cho xe hợp đồng đảm bảo trật tự ATGT, thông qua đó giao trách nhiệm cho UBND các cấp thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của xe hợp đồng", ông Ngọc nói.

Ngoài ra, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định niên hạn của xe taxi không quá 8 năm đối với đô thị loại đặc biệt, 12 năm đối với địa phương khác tại Nghị định số 86, thống nhất niên hạn của xe taxi và xe hợp đồng không quá 12 năm trên toàn quốc, đảm bảo bình đẳng xe taxi và xe hợp đồng.

"Quy định này nhằm bảo đảm bình đẳng của người dân trong việc thụ hưởng chất lượng dịch vụ xe taxi ở tất cả các địa phương, không phân biệt thành phố hay nông thôn. Ngoài ra, quy định như Nghị định 86 sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lách luật, xin cấp phù hiệu xe taxi ở địa phương này và chuyển sang địa phương khác để hoạt động", ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Cần quản chặt thuế đối với xe hợp đồng

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 đã quan tâm đúng mức để quản lý vận tải. Tuy nhiên, đối với loại hình xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là Limousine phải quản lý được vấn đề thuế. Xảy ra tình trạng nở rộ loại hình này như hiện nay là do chúng ta chưa quản lý tốt vấn đề thuế, nhiều doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo loại hình này cũng là tìm cách né thuế.

Vì vậy, tới đây cần đề cập đến vấn đề này, trong đó cần giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm. Chúng ta cũng không nên kỳ vọng bằng một văn bản hay quy định nào đó mà có thể giải quyết được vấn nạn xe hợp đồng trá hình trong kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mai Linh Đông Đô:

Tạo cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp

Việc bỏ quy định quy mô phương tiện tối thiểu là sự thể hiện bình đẳng trong kinh doanh. Luật Doanh nghiệp đã quy định có nhiều loại quy mô doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp có 5 xe, hay 10 xe, thậm chí dưới 2 xe nhưng miễn sao họ hoạt động đảm bảo chất lượng dịch vụ. Có điều các doanh nghiệp nhỏ muốn đứng độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Việc xóa hạn mức tối thiểu xe là một trong những giải pháp nhằm mở cửa cho các doanh nghiệp làm ăn, cạnh tranh bình đẳng. Việc bỏ quy định về quy hoạch số lượng xe taxi là đúng với quy luật thị trường, hãy để thị trường tự điều tiết. Hoặc phải quy hoạch số lượng đối với cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ, còn không thì nên mở cho doanh nghiệp tự cạnh tranh.

Trần Duy (Ghi)

 

                                              Nguồn: Báo Giao thông


Văn Bản Mới Văn Bản Mới

  • 24/2023/NĐ-CP (14/05/2023)
    Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực...
  • 3866/QĐ-UBND (17/01/2023)
    Về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh...
  • 21/2022/TT-BGTVT (22/08/2022)
    Quy định về quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường...
  • 2292/QĐ-UBND (12/08/2022)
    Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của...
  • 17/2022/TT-BGTVT (15/07/2022)
    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 9
Tất cả: 25187296

Dịch vụ công trực tuyến Sở GTVT

 

Thủ tục hành chính 

Đường sắt Việt Nam

 

Tổng cục đường bộ VN DVC Đổi GPLX

TT Đăng kiểm phương tiện GTVT BRVT

 

Trường Trung cấp nghề GTVT tỉnh BRVT

Ủy ban ATGT Quốc gia

 

Cục hàng hải Việt Nam

Cục đường thủy nội địa Việt Nam

 

Tổng cục đường bộ

Việt Nam

Hỏi đáp