Tin tức
Bài một của loạt bài "Gỡ điểm nghẽn để cụm cảng Cái Mép – Thị Vải phát triển xứng tầm" đã nêu lên thực trạng phát triển cụm cảng biển lớn nhất của khu vực miền Nam hiện nay. Để Cái Mép-Thị Vải thực sự trở thành một cảng trung chuyển quốc tế xứng với tiềm năng vốn có cần những đột phá trong tư duy đến hành động.
Hành động cụ thể
Cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã lên kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, Bà Rịa Vũng Tàu sẽ thực hiện một loạt dự án giao thông trọng điểm, như: Tập trung đầu tư phát triển hệ thống trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép – Thị Vải; Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh; Đầu tư xây dựng dự án thành phần 3 thuộc dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển; Đầu tư kết cấu hạ tầng bến thủy nội địa và cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luồng đường thủy nội địa; Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; Đầu tư các tuyến giao thông kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Ngày 17/6, Bà Rịa Vũng Tàu khởi công, nâng cấp tuyến đường ven biển. Một ngày sau, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng được ấn nút thi công. Không chỉ kết nối trực tiếp với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng phá thế độc đạo của Quốc lộ 51, từ đó tạo sức bật mới cho cụm cảng nước sâu lớn nhất khu vực miền Nam. Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sẽ khai thác hết tiềm năng, lợi thế của cảng Cái Mép - Thị Vải, không chỉ phục vụ cho Bà Rịa - Vũng Tàu mà cho cả khu vực miền Đông Nam bộ và khai thác hết tiềm năng của dự án sân bay Long Thành. Bức tranh kinh tế của Đông Nam bộ sẽ thay đổi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia". UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, để phát huy vai trò hệ thống cảng nước sâu cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã từng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhiều giải pháp để tháo điểm nghẽn về hạ tầng. Trong đó, giải pháp quan trọng, có tính đột phá là trên nền tảng, vị thể sẵn có để hình thành cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, Khu Thương mại tự do Cái Mép Hạ, gắn với hành lang công nghiệp - đô thị Đông Tây. Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có Quyết định số 906 về việc thành lập 6 Tổ xây dựng các đề án thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển; thành lập "tổ công tác đặc biệt" do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ Trưởng. Tổ công tác định kỳ hàng tuần tổ chức họp để nghe các Sở, ngành báo cáo nhằm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, mục tiêu của Tổ công tác là hỗ trợ doanh nghiệp nhiều nhất có thể, nhằm thúc đẩy dòng chảy hàng hoá thông qua khu vực Cái Mép – Thị Vải. Theo ông Thọ: "Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ nỗ lực cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực công nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương giữ đoàn kết, kết nối, gắn bó với doanh nghiệp để cùng nhau giải quyết các khó khăn vướng mắc". Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và địa phương để phát triển hệ thống cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.