Tin tức Tin tức

Bộ trưởng GTVT: Thay ngay người đứng đầu không hoàn thành công việc

"Bộ GTVT không dồn ép, nhưng ban QLDA nào không làm theo kế hoạch tổng thể, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, giám đốc ban đó sẽ bị kỷ luật, cách chức", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn.

 
1

Không hài lòng về tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải tập trung cao độ nhất cho công tác lập F/S của dự án trọng điểm này (Trong ảnh: Phối cảnh sân bay Long Thành)

Không có đường lùi cho dự án trọng điểm

Tại hội nghị giao ban quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2018 sáng qua (29/3), đánh giá công tác đầu tư xây dựng các dự án giao thông, nhất là những công trình trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành thời gian qua có sự chuyển biến nhưng vẫn chậm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: "Mỗi dự án đều có giám đốc ban phụ trách, công việc có chạy hay không là do giám đốc ban. Nếu các anh điều hành không tốt, để công việc tự bơi làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án, Bộ sẽ điều chuyển xuống làm phó giám đốc, thậm chí xuống làm nhân viên, dứt khoát không có chuyện nhảy qua chỗ này, chỗ kia".

Theo Bộ trưởng, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đã ban hành nghị quyết nêu rõ, trong tháng 5 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) 6 dự án; tháng 7 phê duyệt 4 dự án, còn lại dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ phê duyệt F/S vào tháng 9/2018. "Các anh không điều hành được theo yêu cầu những mốc tiến độ đó, giám đốc ban QLDA phải chịu trách nhiệm. Không phải Bộ GTVT dồn ép, mà đây là trách nhiệm chung của toàn ngành trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân", Bộ trưởng nói và cho biết, đây là dự án quan trọng của cả nhiệm kỳ. Ngày 28/3, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về dự án cao tốc Bắc - Nam, làm cơ sở để áp dụng các cơ chế, chính sách cho dự án.

"Hiện, Bộ GTVT đang hoàn thiện quy trình duy tu, bảo dưỡng cho dự án. Khi hoàn chỉnh dự án, các giám đốc ban QLDA phải xuống trực tiếp thực địa làm việc với chính quyền địa phương để đưa toàn bộ các đặc thù vào trong dự án, cứ ngồi văn phòng đọc báo cáo, nay mai triển khai phát sinh, bổ sung hạng mục, giám đốc ban QLDA phải chịu trách nhiệm", Bộ trưởng cảnh báo.

Tỏ rõ không hài lòng với Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Đình Thọ phụ trách chỉ đạo Cục Hàng không VN và Vụ Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư.

"Cách điều hành, vận hành công việc của ACV khiến tôi cảm thấy không yên tâm. Cục Hàng không VN và Vụ Kế hoạch - Đầu tư cần theo sát hoạt động của ACV", Bộ trưởng nói và chỉ đạo, các đơn vị cần tập trung cao độ cho công tác lập F/S của dự án CHK quốc tế Long Thành. Chúng ta phải lập và trình Quốc hội đúng tiến độ đặt ra. Bất kỳ khi nào chậm trễ về tiến độ, Vụ Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo Bộ cũng như đề xuất giải pháp.

"Nếu cá nhân nào không đảm bảo được công việc phải điều chuyển. Dứt khoát không chấp nhận cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ", Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt.

Khẳng định trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ VN trong công tác triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng nói: "Tổng cục Đường bộ VN phải thực hiện theo tinh thần của nhân dân yêu cầu, phải sớm tổ chức đấu thầu để lựa chọn thêm nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, đảm bảo công khai, minh bạch. Ai cản trở việc này sẽ bị xử lý nghiêm. Riêng với các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đến cuối năm nay phải thu phí tự động không dừng toàn bộ, tổng cục làm không xong, Bộ GTVT sẽ xử lý ngay lập tức".

Người đứng đầu ngành GTVT cũng đặc biệt lưu ý đến công tác giải ngân, quyết toán của các dự án. "Năm nay, nguồn vốn ngân sách được phân bổ hơn 21 nghìn tỷ đồng, nhưng kết quả giải ngân trong quý I vẫn chậm, mới đạt khoảng 23%. Sắp tới, Vụ Kế hoạch - Đầu tư phải nêu rõ ban nào chậm giải ngân và làm văn bản đề nghị thay thế luôn giám đốc ban", Bộ trưởng yêu cầu và cho biết, theo quy định của pháp luật, sau khi dự án hoàn thành 6 tháng phải quyết toán, nhưng đến nay, có những dự án đã xong 3 - 4 năm vẫn chưa được quyết toán.

"Vụ Tài chính phải rà soát lại, dự án nào chậm quyết toán sẽ xử lý kỷ luật giám đốc ban QLDA, chủ đầu tư", Bộ trưởng nhấn mạnh.

2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị

Chấn chỉnh ngay công tác quản lý vận tải

Trước đó, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 3 tháng đầu năm 2018 của ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: "Trong quý I, hầu hết các lĩnh vực của ngành GTVT đều có những chuyển biến, nổi trội nhất là lĩnh vực hàng không, đường bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị có chuyển biến nhưng chưa rõ nét. Điển hình, đường thuỷ nội địa thời gian qua không có đóng góp lớn. Hàng hải chưa làm tốt việc giảm tải cho đường bộ. Đường sắt cũng có nhiều đổi mới như: Bán vé điện tử, phục vụ suất ăn kiểu mới… nhưng rõ ràng còn nhiều việc đường sắt có thể làm tốt hơn nữa để có những chuyển biến rõ nét".

Công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ GTVT đã trình lên Hội đồng thẩm định quốc gia về việc đề xuất cắt giảm 352/570 thủ tục hành chính, chiếm 61,75%, trong khi yêu cầu của Chính phủ là tối đa mỗi bộ, ngành phải cắt giảm 50% thủ tục hành chính. Bộ trưởng cho rằng, giảm được một thủ tục hành chính là giảm được rất nhiều công việc, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và xã hội được lợi rất nhiều.

Đề cập đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho rằng, không phải chúng ta hoàn thành đúng tiến độ, đúng số lượng là hoàn thành nhiệm vụ, điều quan trọng là văn bản, nghị định, thông tư khi ban hành phải đi vào cuộc sống và được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng. "Vừa qua, chúng ta đã phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật chưa tốt. Do đó, từ nay trở đi, những văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành tạo ra hiệu ứng ngược hoặc tạo thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, dứt khoát Bộ GTVT sẽ xử lý những người có liên quan, nhất là những người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản", Bộ trưởng nói.

Thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý vận tải còn yếu, hạn chế nhất của ngành GTVT trong 3 tháng đầu năm, Bộ trưởng yêu cầu cần phải chấn chỉnh kịp thời.

"Công tác quản lý vận tải thời gian qua còn nhiều thiếu sót, yếu kém. Hoạt động của Uber, Grab ra sao? Trốn thuế thế nào? Trách nhiệm của họ đối với người dân, lái xe ra sao vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, rõ ràng và để tình trạng này kéo dài. Do đó, các cơ quan liên quan phải khẩn trương chấn chỉnh kịp thời", Bộ trưởng yêu cầu.

Hiệu quả truyền thông ấn tượng nhất

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, một trong những kết quả ấn tượng nhất trong quý I/2018 của ngành GTVT là đã tạo được sự minh bạch, kịp thời và hiệu quả trong công tác truyền thông. "Các đơn vị thuộc Bộ đã có thái độ hợp tác, tích cực, cởi mở với các cơ quan báo chí", Bộ trưởng nói và khẳng định: Thông qua việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực diện, các cơ quan truyền thông có điều kiện hiểu rõ hơn về ngành GTVT, về những công việc mà chúng ta đang làm, tránh các thông tin thiếu chính xác. Cũng qua các cơ quan truyền thông, hoạt động của ngành GTVT được truyền tải một cách mạnh mẽ, hiệu quả, minh bạch đến người dân, xã hội.

Hoàn thành 100% dự thảo nghị định

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, trong quý I/2018, Bộ GTVT đã hoàn thiện, trình Chính phủ 4 dự thảo nghị định, hoàn thành 100% kế hoạch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, 2 quyết định do Bộ GTVT xây dựng trình. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện 8 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 3 quy hoạch, một điều chỉnh quy hoạch đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm được ban hành.

Cũng theo ông Đức, trong 3 tháng đầu năm, các chủ đầu tư đã lập, trình quyết toán 8 dự án với giá trị hơn 15.300 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch của 3 tháng đầu năm và đạt 15% kế hoạch cả năm 2018 về số lượng dự án; các cơ quan thẩm quyền đã hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 7 dự án với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch của 3 tháng và đạt 8% kế hoạch cả năm 2018 về số lượng dự án. "Riêng với các dự án BOT, lũy kế từ trước đến nay, các chủ đầu tư đã lập và trình quyết toán được 59 dự án, các cơ quan thẩm quyền đã thỏa thuận quyết toán cơ bản được 55 dự án", ông Đức nói.

Đối với công tác giải ngân các nguồn vốn, trong quý I/2018, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 7.100 tỷ đồng, đạt 23,04% kế hoạch năm 2018. Trong đó, nguồn vốn NSNN ước giải ngân đạt hơn 5.200/18.600 tỷ đồng (đạt 27,95% kế hoạch năm 2018); nguồn vốn TPCP ước giải ngân 33/2.586 tỷ đồng (đạt 1,28% kế hoạch năm 2018); nguồn vốn ngoài ngân sách ước giải ngân hơn 1.900/10.000 tỷ đồng (đạt 19,52% kế hoạch năm 2018).

Về tình hình đảm bảo trật tự ATGT, ông Đức cho biết, từ ngày 16/12/2017 - 15/3/2018, cả nước xảy ra 4.674 vụ TNGT, làm chết 2.149 người, bị thương 3.627 người; so với cùng kỳ năm 2017, giảm 139 vụ (giảm 2,89%), tăng 35 người chết (tăng 1,66%), giảm 208 người bị thương (giảm 5,42%).

                                Nguồn: Báo Giao thông


Văn Bản Mới Văn Bản Mới

  • 24/2023/NĐ-CP (14/05/2023)
    Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực...
  • 3866/QĐ-UBND (17/01/2023)
    Về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh...
  • 21/2022/TT-BGTVT (22/08/2022)
    Quy định về quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường...
  • 2292/QĐ-UBND (12/08/2022)
    Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của...
  • 17/2022/TT-BGTVT (15/07/2022)
    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 14
Tất cả: 25185729

Dịch vụ công trực tuyến Sở GTVT

 

Thủ tục hành chính 

Đường sắt Việt Nam

 

Tổng cục đường bộ VN DVC Đổi GPLX

TT Đăng kiểm phương tiện GTVT BRVT

 

Trường Trung cấp nghề GTVT tỉnh BRVT

Ủy ban ATGT Quốc gia

 

Cục hàng hải Việt Nam

Cục đường thủy nội địa Việt Nam

 

Tổng cục đường bộ

Việt Nam

Hỏi đáp