Tin tức Tin tức

Bộ trưởng GTVT: Đến 2019, toàn bộ trạm BOT phải thu phí tự động

Tại cuộc họp chiều 9/11 của Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, để đảm bảo các dự án BOT minh bạch, đến năm 2019, tất cả các trạm BOT phải áp dụng công nghệ thu phí tự động.

 
6

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp Ban Cán sự Đảng, Bộ GTVT chiều 9/11

Xây dựng Luật, thể chế, chính sách là việc quan trọng nhất

Khẳng định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), cụ thể là dự thảo luật, nghị định và các thông tư là nhiệm vụ quan trọng nhất, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Những gì liên quan đến luật, thể chế mà Quốc hội, Chính phủ giao phải được làm đến nơi, đến chốn, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

"Đây là nguyên tắc đầu tiên phải thực hiện", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: Làm luật mà chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, đến đầu tư phát triển. Có luật rồi mà không có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thì luật cũng không thể thực hiện được. Do đó, với những luật mới xây dựng, bổ sung, sửa đổi, phải song song xây dựng ngay nghị định. Tuyệt đối không có chuyện luật ban hành mà nghị định hướng dẫn chưa có.

"Công tác pháp chế là cực kỳ quan trọng. Phải lưu ý thể chế chính là một trong 3 điểm nghẽn. Do vậy, các đồng chí phải đặc biệt dồn công sức, trí tuệ tập thể cho công tác này", Bộ trưởng lưu ý.

Nhắc đi nhắc lại cụm từ "thể chế", người đứng đầu Bộ GTVT nhấn mạnh: Gỡ điểm nghẽn thể chế chính là khâu đột phá. Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế. Xử lý từng vụ việc cụ thể rất quan trọng, nhưng phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế.

Khi xây dựng bất kỳ một VBQPPL nào, phải nhìn ở góc độ của người thực hiện để xem nếu là mình có thực hiện được không. Có như thế, nghị định, thông tư… mới có thể đi vào cuộc sống. Tuyệt đối không để tình trạng nghị định, thông tư ban hành ra lại là rào cản cho phát triển, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Tương tự, với việc xây dựng đề án, quy hoạch cũng rất quan trọng, cần rút kinh nghiệm để làm sao mỗi việc đều đảm bảo chất lượng, tiến độ. Thủ tục hành chính cũng cần rà soát, nghiên cứu để giảm bớt những gì rườm rà, không cần thiết.

Minh bạch các dự án BOT

Liên quan đến kế hoạch đầu tư trung hạn, kế hoạch hàng năm, Bộ trưởng chỉ rõ dư luận hiện nay đang nói rất nhiều đến việc tiền ít nhưng vẫn giải ngân chậm, dẫn tới các dự án chậm tiến độ. "Vậy nguyên nhân vì sao? Vướng chỗ nào, do bản thân Bộ GTVT hay do bộ ngành khác liên quan, giải pháp ra sao? Phải làm rõ từng khâu, từng bộ phận mới có giải pháp hiệu quả".

"Sắp tới, khi triển khai bất kỳ dự án nào, phải đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị đầu tư, cũng như GPMB. Có chuẩn bị đầu tư tốt, GPMB tốt mới đảm bảo triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng. Muốn cho người dân, xã hội bớt bức xúc, công tác chuẩn bị dự án phải thật tốt", Bộ trưởng nói.

"Cần nâng cao vai trò của người đứng đầu. Những người nào cảm thấy áp lực lớn quá, đề xuất lên Ban Cán sự Đảng, chúng tôi sẽ giúp các đồng chí san sẻ bớt công việc, giảm bớt áp lực. Còn đã nhận nhiệm vụ là phải hoàn thành."

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Đặc biệt, với các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư, BOT, Bộ trưởng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết riêng về BOT, chỉ cho phép đầu tư theo hình thức này với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. 

"Với những dự án BOT sắp tới, đương nhiên phải tuyệt đối tuân theo Nghị quyết trên. Tuy nhiên, với những dự án BOT đang làm dở dang, những dự án mới GPMB xong, thậm chí với những dự án BOT mới chỉ thông qua chủ trương, chưa triển khai thì sẽ như thế nào? Các đơn vị liên quan cần rà soát, thống kê, báo cáo cụ thể và đề xuất giải pháp cho từng dự án để báo cáo Chính phủ", Bộ trưởng lưu ý.

Thừa nhận thời gian qua dư luận đã nói rất nhiều đến các dự án BOT, song Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Phản ứng là có, nhưng không phải tất cả người dân. Hơn nữa, khâu truyền thông của ta làm chưa tốt, chưa nhanh, chưa thực sự để người dân hiểu rõ vấn đề mà bớt bức xúc.

Dẫn ví dụ về Trạm BOT Cai Lậy, Bộ trưởng nói: "Nếu đưa trạm thu phí về tuyến tránh, chắc chắn QL1 sẽ tiếp tục ùn tắc. Vì sao? Vì đi tuyến tránh 12km sẽ tốn phí còn đi QL1 thì không mất tiền. Nhưng QL1 đã ùn tắc rồi. Nguyên nhân do cầu Cai Lậy nhỏ, không có dải phân cách giữa, khả năng lưu thoát thấp. Qua cầu Cai Lậy là đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ, lại tiếp tục ùn ách. Kế đến là các ngã ba, ngã tư tiếp theo trong TX Cai Lậy. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, ngày lễ, Tết, thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng do khả năng lưu thông hạn chế. Muốn lưu thoát tốt, không ùn tắc phải mở rộng đường thị xã, mở rộng cầu Cai Lậy, như thế rất tốn kém, phải GPMB, ảnh hưởng, xáo trộn đến việc làm ăn, sinh sống, buôn bán của người dân. Do đó, mình phải chọn phương án làm BOT tuyến tránh. Nhưng mục tiêu của dự án BOT này là để giải quyết ùn tắc ở QL1 qua TX Cai Lậy. Nếu không giải quyết được ùn tắc bên trong thì không đạt được mục tiêu ban đầu để Chính phủ đồng ý cho làm dự án, cũng như không đúng đề nghị của địa phương. Làm BOT 12km tuyến tránh rút ngắn thời gian, quãng đường đi lại không nhiều, quan trọng nhất là giải quyết ùn tắc. Thực tế, từ khi dự án đưa vào khai thác, hoàn toàn không còn ùn ách tại đây. Tư vấn đã nghiên cứu rất kỹ, đề xuất các phương án lựa chọn. Nếu không tin, cứ đặt trạm thử ở tuyến tránh, hoặc tạm đóng tuyến tránh, sẽ thấy ngay ùn tắc như thế nào".

Khẳng định trong thời gian tới dư luận sẽ bớt dần bức xúc đối với các dự án BOT, Bộ trưởng cũng nêu rõ: Quan trọng là phải minh bạch để người dân nắm được, hiểu được và chia sẻ. Cụ thể, minh bạch đầu vào dự án thông qua công tác quyết toán đồng thời minh bạch đầu ra thông qua việc công khai mức thu, số thu mỗi lượt, mỗi ngày. Muốn làm được điều đó, thì đến năm 2019 tất cả các trạm BOT phải áp dụng công nghệ thu phí tự động ở tất cả các làn,

Cuối cùng, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới cần tập trung vào công tác trung tu, duy tu sửa chữa các tuyến đường, lên danh sách đường nào cần trung tu, đại tu, quản lý cụ thể, rõ ràng. Chỉ những trục đường lưu lượng thực sự tăng thì làm đường BOT song song để người dân lựa chọn.

Trong mọi khâu, mọi công việc, mọi nhiệm vụ cần triển khai, tân Bộ trưởng đều nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. "Làm luật, làm nghị định mà chậm trễ, phải xem xét trách nhiệm từ cơ quan chủ trì soạn thảo đến các Vụ trực thuộc Bộ chủ trì. Quan trọng là trách nhiệm của các Vụ, trong đó, đặc biệt là Vụ trưởng", Bộ trưởng nói và cho rằng, với việc triển khai dự án, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập dự án, tư vấn thiết kế, giám sát, quản lý, cần làm rõ đơn vị nào, nhiệm vụ gì, chất lượng như thế nào. Chất lượng công việc có tốt không, có trôi không, có đảm bảo tiến độ không, đều do con người quyết định hết, trong đó quan trọng nhất là người đứng đầu.

                                 Nguồn: Báo Giao thông


Thông báo Thông báo

Văn Bản Mới Văn Bản Mới

  • 82/2024/NĐ-CP (06/08/2024)
    Ngày 10/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa...
  • 05/2024/TT-BGTVT (31/03/2024)
    Thông tư 05/2024/TT-BGTVT Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông...
  • 24/2023/NĐ-CP (14/05/2023)
    Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực...
  • 3866/QĐ-UBND (17/01/2023)
    Về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh...
  • 21/2022/TT-BGTVT (22/08/2022)
    Quy định về quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 20
Tất cả: 27874885

Dịch vụ công trực tuyến Sở GTVT

 

Thủ tục hành chính 

Đường sắt Việt Nam

 

Tổng cục đường bộ VN DVC Đổi GPLX

TT Đăng kiểm phương tiện GTVT BRVT

 

Trường Trung cấp nghề GTVT tỉnh BRVT

Ủy ban ATGT Quốc gia

 

Cục hàng hải Việt Nam

Cục đường thủy nội địa Việt Nam

 

Tổng cục đường bộ

Việt Nam

Hỏi đáp