An toàn giao thông An toàn giao thông

Vì sao hơn 80% tai nạn giao thông do nam giới?

Do khác biệt về tâm lý, tính cách, hành vi... nên nạn nhân TNGT là nam giới nhiều hơn phụ nữ?

 
8

Nạn nhân TNGT cấp cứu tại các bệnh viện chủ yếu là nam giới - Ảnh: Tạ Tôn

Gần 85% số vụ do nam giới

Báo cáo về tình hình trật tự ATGT quý I của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, toàn quốc xảy ra trên 4.600 vụ TNGT, làm chết trên 2.100 người, bị thương trên 3.600 người. Đáng lưu ý, kết quả phân tích 2.800 vụ cho thấy về giới tính có đến gần 85% do các vụ TNGT liên quan đến nam giới.

Giải thích vì sao số vụ TNGT xảy ra đối với nam giới cao hơn nữ giới, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đây là hiện tượng tương đối phổ biến không chỉ ở Việt Nam. Nam giới chiếm tỷ trọng lớn trong số nạn nhân TNGT, những người có độ tuổi vừa trưởng thành (18-22) có xác suất tai nạn lớn nhất, phần lớn do ở lứa tuổi đó, các kinh nghiệm lái xe, mức độ điềm tĩnh, nhường nhịn, khả năng kiềm chế... còn hạn chế.

"Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao nam giới có kỹ năng điều khiển phương tiện tốt hơn nữ giới nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn nạn nhân TNGT? Trước hết, về khách quan, đến từ cơ cấu phương tiện sử dụng cũng như tần suất và cường độ điều khiển phương tiện. Nam giới lái xe nhiều hơn nữ giới, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do yêu cầu công việc, vai trò trụ cột trong gia đình, truyền thống văn hóa xã hội, trong đó nam giới có vị trí và cơ hội đi lại làm việc nhiều hơn. Về nguyên tắc, càng đi lại nhiều thì rủi ro gặp TNGT càng lớn. Về chủ quan, xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của nam giới, thông thường họ lái xe với tốc độ cao hơn nhưng độ thận trọng lại kém nữ giới", ông Minh nói và nhấn mạnh: Tại Việt Nam, hiện tượng uống rượu bia khi lái xe khá phổ biến, nam giới uống nhiều rượu bia hơn nên số vụ TNGT liên quan đến nam giới chiếm nhiều hơn. Uống rượu, bia khi lái xe là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT.

Giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội Nguyễn Văn Lượt cho biết, nghiên cứu cho thấy, xu hướng nam giới có nhiều hành vi nguy cơ hơn khi tham gia giao thông so với nữ giới, từ nhắn tin, gọi điện, đi sai làn, chạy quá tốc độ, không đội MBH cho đến sử dụng các chất kích thích… "Có thể giải thích thực trạng này do sự khác biệt tâm lý cá nhân giữa nam và nữ. Phần lớn nữ giới thường hay lo sợ và nhạy cảm hơn đối với các vấn đề có tính rủi ro, nguy hiểm. Do đó họ cẩn thận, chú ý hơn khi ra ngoài so với nam giới cũng như cẩn trọng hơn trong hành động của bản thân", ông Lượt cho hay.

PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, khoảng trên 80% số ca tử vong do TNGT xảy ra ở nam giới. Trong số các tài xế trẻ tuổi, nam giới dưới 25 tuổi tử vong cao gấp 3 lần trong một vụ tai nạn ô tô so với nữ giới trẻ tuổi. Theo ông Trung, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam uống rượu bia và uống thường xuyên rất thấp, trong khi tỷ lệ đàn ông uống rượu bia gây TNGT cao chiếm ít nhất 40% nạn nhân TNGT.

9
Một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT là do vừa điều khiển mô tô vừa dùng điện thoại - Ảnh: Tạ Tôn

Giải quyết vấn đề trên quan điểm bình đẳng giới

Theo ông Trần Hữu Minh, khi đã xác định đối tượng nam giới bị tai nạn nhiều hơn cần tập trung tuyên truyền thay đổi hành vi của nam giới. Tuy nhiên, nữ giới chiếm 50% của thế giới, nếu chỉ tập trung tuyên truyền ATGT vào nam giới thì chỉ giải quyết một nửa vấn đề mà cần giải quyết vấn đề trên quan điểm bình đẳng giới. Những vấn đề của nam giới sẽ được giải quyết nếu có sự hỗ trợ từ nữ giới. Nếu tăng cường tuyên truyền kiến thức ATGT của nam giới cho nữ giới để họ dùng kiến thức này thay đổi nhận thức của nam giới là điều quan trọng.

Ông Minh nhìn nhận, hành vi của một con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chuẩn mực đạo đức, sức ép và thông lệ, chuẩn mực của xã hội. Những ý kiến, quan điểm của cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong điều chỉnh hành vi của cá nhân. Người vợ, người mẹ, người yêu nếu có kiến thức nhất định về ATGT để góp ý thay đổi hành vi của người con, người chồng. Người chồng say rượu, vợ có thể không cho lái xe hay chạy quá tốc độ thì yêu cầu đi chậm lại hoặc tất cả thành viên gia đình đi xe phải cài dây bảo hiểm…

Phía cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng để người dân thực hiện hành vi đúng pháp luật dễ dàng nhất. Ngoài ra, ông Minh cho rằng, công tác xử phạt cần tăng cường nhưng không phải theo hướng xử phạt nặng một lần mà nên xử phạt theo hệ dữ liệu quốc gia và có quản lý tái phạm và phạt lũy tiến nếu tái phạm. Như vậy mới có tác dụng nhắc nhở, răn đe.

"Cần thiết lập cơ chế, quy trình xử phạt nguội hiệu quả. Vào 5 - 6h sáng, tại một nút giao thông do không có lực lượng chức năng, không có xử "phạt nguội" nhiều người đã vượt đèn đỏ. Nếu trường hợp người dân biết bị phạt nguội sẽ tự giác chấp hành ngay cả khi không có lực lượng chức năng. Nếu làm được như vậy, tôi tin là hành vi tham gia giao thông của người dân sẽ thay đổi", ông Minh khẳng định.

PGS.TS. Triệu Nguyên Trung cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện cặp hành động "tuyên truyền và xử phạt", lấy các chế tài, xử phạt làm thông điệp tuyên truyền. Xử phạt chính là một phần của giáo dục tuyên truyền.

Dùng công cụ kinh tế điều chỉnh hành vi của nam giới

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, những kinh nghiệm quốc tế có giá trị tham khảo rất tốt. Đó là việc dùng công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi của nam giới, trong đó bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với nam giới cao hơn nữ giới. Nghiên cứu các mức bảo hiểm cao hơn với những loại xe có rủi ro gây TNGT cao, thường gắn liền với nam giới: Xe phân khối lớn, tốc độ cao...

Để phát huy chính sách bảo hiểm trên một cách hiệu quả, cần có hệ dữ liệu quốc gia để quản lý hành vi tái phạm, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan có liên quan, trong đó có bảo hiểm. Đồng thời, kết hợp các giải pháp tuyên truyền với kiểm tra giám sát xử lý vi phạm, xử phạt nguội dựa trên hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự ATGT và xử phạt lũy tiến nếu tái phạm. Tăng cường xử phạt về tư pháp với vi phạm TTATGT để tăng hiệu lực và tác dụng răn đe với hành vi vi phạm.

Những giải pháp trên cũng liên quan tới sửa đổi rất nhiều quy định pháp luật. Hệ dữ liệu quốc gia về TTATGT chỉ có thể triển khai hiệu quả nếu quy định thống kê về vi phạm TTATGT trở thành quy định bắt buộc trong Luật Thống kê. Muốn xử phạt lũy tiến với tái phạm cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc điều chỉnh mức độ bảo hiểm theo mức độ rủi ro của người lái và phương tiện đòi hỏi phải sửa đổi Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới... Tuy nhiên, đây là những xu hướng tất yếu sẽ xảy ra.

 

                                       Nguồn: Báo giao thông

 

Văn Bản Mới Văn Bản Mới

  • 24/2023/NĐ-CP (14/05/2023)
    Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực...
  • 3866/QĐ-UBND (17/01/2023)
    Về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh...
  • 21/2022/TT-BGTVT (22/08/2022)
    Quy định về quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường...
  • 2292/QĐ-UBND (12/08/2022)
    Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của...
  • 17/2022/TT-BGTVT (15/07/2022)
    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 8
Tất cả: 25185715

Dịch vụ công trực tuyến Sở GTVT

 

Thủ tục hành chính 

Đường sắt Việt Nam

 

Tổng cục đường bộ VN DVC Đổi GPLX

TT Đăng kiểm phương tiện GTVT BRVT

 

Trường Trung cấp nghề GTVT tỉnh BRVT

Ủy ban ATGT Quốc gia

 

Cục hàng hải Việt Nam

Cục đường thủy nội địa Việt Nam

 

Tổng cục đường bộ

Việt Nam

Hỏi đáp